Mẫu Hợp đồng mua bán tài sản

Read Time:20 Minute, 46 Second

Tài sản được mua bán có khi chỉ là những vật dụng thiết yếu hàng ngày, mà cũng có khi mang giá trị lớn như nhà ở, quyền sử dụng đất,… Tùy vào đối tượng mua bán và mục đích của chủ thể, bên bán và bên mua có thể giao kết hợp đồng mua bán tài sản bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi pháp lý cụ thể. Tuy vậy, trong những trường hợp pháp luật quy định về hình thức của hợp đồng bằng văn bản thì các bên phải tuân theo hình thức đó thì hợp đồng mới có hiệu lực.

1. Hợp đồng mua bán tài sản là gì?

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Bên bán và bên mua có thể là cá nhân hoặc tổ chức được thành lập theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: 

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Điều kiện để tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản

Tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản khi thỏa mãn các điều kiện sau đây: 

  • Tài sản phải là tài sản được phép giao dịch

Các chủ thể của hợp đồng mua bán tài sản chỉ được giao kết mua bán những tài sản không thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật. Dù pháp luật quy định tiền cũng là một loại tài sản, tuy nhiên tiền là phương tiện thanh toán, không phải đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản. Trong lĩnh vực thương mại, một số hàng hóa bị cấm như: các chất ma túy, các loại pháo,… 

  • Tài sản phải được xác định cụ thể

Tính xác định cụ thể áp dụng với cả tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Đối với tài sản là vật thì được xác định thông qua số lượng, đặc điểm… Đối với tài sản là quyền tài sản thì phải có giấy tờ hoặc các bằng chứng khác chứng minh thuộc quyền sở hữu của bên bán. Đối với tài sản hình thành trong tương lai thì bên bán phải có căn cứ chứng minh là vật đó đang hoặc chuẩn bị được hình thành;

  • Tài sản không có tranh chấp về quyền sở hữu

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Khi đối tượng của hợp đồng là tài sản đang có tranh chấp về quyền sở hữu, thì bên bán có thể không có quyền bán tài sản được pháp luật công nhận, từ đó, dẫn đến hợp đồng mua bán tài sản bị vô hiệu và người mua không đạt được mục đích mua tài sản của mình. 

  • Tài sản không phải là tài sản đang bị kê biên để thi hành án

Kê biên tài sản thường được áp dụng khi người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả tiền và mặc dù người này có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện thi hành. Nói cách khác, khi bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản, quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu sẽ bị hạn chế. Do đó, tài sản đang bị kê biên không phải là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản.

  • Tài sản không phải là tài sản đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác;

Pháp luật Việt Nam công nhận 9 biện pháp bảo đảm bao gồm cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp và cầm giữ tài sản. Đối với từng biện pháp, quyền và nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ được quy định cụ thể, trong đó có những trường hợp, bên có nghĩa vụ không có quyền bán tài sản bảo đảm hoặc chỉ có quyền bán tài sản bảo đảm trong trường hợp bên có quyền đồng ý. 

  • Tài sản là tài sản hạn chế giao dịch thì việc mua bán phải tuân theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục chuyển giao quyền sở hữu tài sản đó.

2. Nội dung của hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản có thể gồm các nội dung chính sau:

  • Đối tượng của hợp đồng: Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản là các tài sản đáp ứng được các điều kiện như đã phân tích ở trên. Thỏa thuận về tài sản mua bán có thể bao gồm các thỏa thuận về tên tài sản, xuất xứ, số lượng, chất lượng, các hồ sơ, tài liệu đi kèm tài sản (nếu có).
  • Giá của tài sản: Giá của tài sản bao gồm các thỏa thuận về giá bán tài sản (giá bán có thể chưa bao gồm VAT) và các chi phí khác (nếu có).
  • Phương thức và thời hạn thanh toán: Việc thanh toán có thể được thực hiện bằng phương thức tiền mặt hoặc chuyển khoản. Bên mua có thể thanh toán trước hoặc sau khi nhận hàng, thanh toán một lần hoặc nhiều lần, tùy vào thỏa thuận của hai bên.
  • Thời gian, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
  • Quyền, nghĩa vụ của các bên;
  • Hiệu lực và chấm dứt hợp đồng.
  • Các bên có thể thỏa thuận về các nội dung của hợp đồng không trái với quy định của pháp luật. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì các bên sẽ áp dụng những quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện hợp đồng.  

3. Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng mua bán tài sản

  1. Trong một số trường hợp, một hoặc hai chủ thể của hợp đồng chưa thực hiện được ngay lập tức nghĩa vụ của mình (bên mua chưa thực hiện được nghĩa vụ thanh toán, bên bán chưa thực hiện được nghĩa vụ giao hàng,…), các bên có thể thỏa thuận áp dụng một số biện pháp bảo đảm như: đặt cọc, thế chấp,….
  2. Bên mua cần tìm hiểu kĩ về tài sản và chủ sở hữu của tài sản. Tài sản đó có nguồn gốc rõ ràng hay không? Tài sản thuộc sở hữu của một người hay nhiều người? Trong trường hợp tài sản không có nguồn gốc rõ ràng (đặc biệt là động sản không phải đăng kí quyền sở hữu), bên mua không nên giao kết hợp đồng mua bán tài sản, vì có thể bên bán đã chiếm hữu tài sản trái pháp luật bằng cách trộm cắp, cướp giật,… Trong các trường hợp này, dù bên mua và bên bán đã thực hiện xong hợp đồng mua bán tài sản, chủ sỡ hữu của tài sản vẫn có quyền đòi lại tài sản đó. Nếu tài sản là tài sản riêng, thì chủ sở hữu tài sản hoặc người có quyền bán là bên bán trong hợp đồng mua bán tài sản. Nếu tài sản là tài sản chung, việc mua bán tài sản đó cần có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu. 
  3. Đối với tài sản phải đăng kí khi chuyển quyền sở hữu, sau khi thực hiện hợp đồng mua bán, bên mua sẽ trở thành chủ sở hữu kể từ khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Theo quy định tài sản phải đăng kí bao gồm:

                Đăng kí bất động sản

                Đăng ký tàu biển

                Đăng ký phương tiện nội thủy địa

                Đăng ký tàu cá

                Đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

                Đăng ký xe, máy chuyên dùng thi công đường bộ

                Đăng ký quyền sở hữu tàu bay

                Đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

                Đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

                Đăng ký tài sản là vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

4. Làm như thế nào để giao kết được một hợp đồng mua bán tài sản chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật?

Trước khi giao kết một hợp đồng mua bán tài sản, yếu tố đầu tiên cần xác định là đối tượng của hợp đồng. Đó là tài sản gì? Các bên có quyền mua bán tài sản đó hay không? Nếu có, giá cả, phương thức thanh toán và thực hiện hợp đồng như thế nào, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng này là gì? Nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng thì xử lý như thế nào? Nếu có tranh chấp xảy ra, các bên sẽ xử lý như thế nào? Sau khi xác định được các câu trả lời, hãy tập hợp những nội dung đó vào hợp đồng theo một trình tự logic và hợp lý.

Trong trường hợp giá trị tài sản mua bán lớn, hoặc nội dung hợp đồng phức tạp thì cần có ý kiến tư vấn của Luật sư để đảm bảo quyền lợi tốt nhất khi ký kết hợp đồng.

Mẫu Hợp đồng mua bán tài sản:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——***——

HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN

Số:_____________

Hợp Đồng này được lập và ký ngày …tháng…năm…..giữa:

Bên Bán Tài Sản:

[Lựa chọn một trong các chủ thể bên dưới]

1.     Đối với chủ thể là cá nhân:

Ông (Bà): […]

Sinh ngày: […]

CMND/CCCD số: […] cấp ngày […] tại […]

Hộ khẩu thường trú: […]

(Trường hợp có nhiều cá nhân thì điền thông tin đầy đủ của tất cả cá nhân đó)

2.     Đối với chủ thể là tổ chức:

Tên tổ chức: […]

Trụ sở: […]

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: […] cấp ngày […]

Số điện thoại: […] Số fax: […]

Người đại diện: […]

Chức vụ: […]

Theo giấy ủy quyền (trường hợp đại diện theo ủy quyền) số: […]

Sau đây được gọi là “Bên A”.

Bên Mua Tài Sản:

[Lựa chọn một trong các chủ thể bên dưới]

1.     Đối với chủ thể là cá nhân:

Ông (Bà): […]

Sinh ngày: […]

CMND/CCCD số: […] cấp ngày […] tại […]

Hộ khẩu thường trú: […]

(Trường hợp có nhiều cá nhân thì điền thông tin đầy đủ của tất cả cá nhân đó)

2.     Đối với chủ thể là tổ chức:

Tên tổ chức: […]

Trụ sở: […]

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: […] cấp ngày […]

Số điện thoại: […] Số fax: […]

Người đại diện: […]

Chức vụ: […]

Theo giấy ủy quyền (trường hợp đại diện theo ủy quyền) số: […])

Sau đây được gọi là “Bên B”.

Bên A và Bên B (sau đây gọi riêng là “Bên” và gọi chung là “Các Bên”) đồng ý ký kết Hợp đồng mua bán tài sản (“Hợp Đồng”) với những điều khoản như sau:

Điều 1.  Đối tượng của Hợp Đồng

Bên A bán cho Bên B (các) tài sản sau:

1.1.          Tài sản mua bán: […]

1.2.          Xuất xứ, chủng loại tài sản: […]

1.3.          Số lượng: […]

1.4.          Tình trạng, chất lượng của tài sản: […]

1.5.          Thông tin khác: […]

(Mô tả chi tiết về tài sản mua bán và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của Bên A đối với tài sản mua bán).

Điều 2. Giá và phương thức thanh toán

2.1        Giá của (các) tài sản được quy định tại Điều 1 là: […] (Bằng chữ: […])

Giá trên chưa bao gồm thuế GTGT, phí, lệ phí và các chi phí phát sinh khác.

2.2        Thời hạn thanh toán: […].

2.3        Phương thức thanh toán: Việc thanh toán sẽ được thực hiện bằng phương thức tiền mặt/chuyển khoản (lựa chọn một trong hai phương thức) vào tài khoản của Bên A theo các thông tin dưới đây:

Chủ tài khoản                : […]

Tài khoản số                  : […]

Tại Ngân hàng               : […]

Điều 3.   Thời gian, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng mua bán tài sản

3.1        Thời gian thực hiện

–        Thời hạn giao tài sản: […]

–        Thời hạn thanh toán: theo thỏa thuận tại Khoản 2.2 Điều 2 Hợp đồng.

(Các Bên có thể thỏa thuận thời hạn thanh toán tại thời điểm nhận tài sản hoặc nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản nếu có)

3.2        Địa điểm giao nhận tài sản: […]

3.3        Phương thức giao nhận tài sản: […] (Giao một lần hay nhiều lần, trực tiếp hay gián tiếp thông qua bên thứ ba, các bên có thể thỏa thuận về nghĩa vụ vận chuyển tài sản nếu có)

Điều 4.   Bảo hành

(Trường hợp các bên thỏa thuận không có bảo hành thì bỏ điều khoản này)

Bên A có trách nhiệm bảo hành tài sản trong vòng […] kể từ ngày hai Bên hoàn tất việc giao nhận tài sản. Trong thời gian bảo hành, nếu tài sản bị lỗi, hư hỏng, sai sót mà không do lỗi của Bên B thì Bên A có trách nhiệm thực hiện việc sửa chữa, thay thế các thiết bị khác cho Bên B mà không tính bất kỳ khoản phí nào (kể cả chi phí vận chuyển hoặc đi lại) trong vòng […] ngày kể từ ngày xảy ra sai sót.

Nếu việc bảo hành không được Bên A thực hiện hoặc thời gian bảo hành bị dài quá thời hạn nói trên gây thiệt hại cho Bên B thì Bên A phải bồi thường mọi thiệt hại phát sinh, bao gồm cả chi phí sửa chữa cho Bên thứ ba mà Bên B lựa chọn.

Điều 5.   Trách nhiệm do vi phạm Hợp Đồng

Nếu một Bên vi phạm Hợp đồng này, Bên bị vi phạm sẽ gửi văn bản yêu cầu Bên vi phạm khắc phục. Nếu Bên vi phạm không khắc phục hoặc không thể khắc phục vi phạm đó trong thời theo yêu cầu của Bên bị vi phạm kể từ ngày nhận được thông báo của Bên bị vi phạm, Bên vi phạm phải chịu phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ Hợp Đồng bị vi phạm và chịu trách nhiệm bồi thường cho Bên bị vi phạm những thiệt hại thực tế, trực tiếp phát sinh do hành vi của Bên vi phạm.

Điều 6. Bảo mật

Mỗi Bên sẽ không tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan đến Hợp Đồng này hoặc của Bên còn lại cho bất cứ bên thứ ba nào mà không có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bên còn lại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Mỗi Bên cam kết có biện pháp phù hợp để đảm bảo rằng những nhân viên có liên quan của mình cũng tuân thủ quy định này và sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp có bất cứ hành vi nào vi phạm quy định này. Điều khoản này sẽ vẫn có hiệu lực kể cả sau khi Hợp Đồng này hết hạn hoặc chấm dứt.

Điều 7.   Bất khả kháng

7.1.          Bất khả kháng là những sự kiện khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của các bên bao gồm nhưng không giới hạn ở: động đất, bão, lũ lụt, gió lốc, sóng thần, lở đất, hỏa hoạn, chiến tranh hay đe dọa chiến tranh… hoặc các thảm họa khác không thể lường trước được; hoặc sự thay đổi của luật pháp bởi chính quyền Việt Nam.

7.2.          Khi một bên không thể thực hiện tất cả hay một phần của nghĩa vụ Hợp đồng do sự kiện bất khả kháng gây ra một cách trực tiếp, Bên này sẽ không được xem là vi phạm Hợp đồng nếu đáp ứng được tất cả những điều kiện sau:

7.2.1.   Bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp của sự gián đoạn hoặc trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ; và

7.2.2.   Bên bị gặp phải sự kiện bất khả kháng đã nỗ lực để thực hiện nghĩa vụ của mình và giảm thiểu thiệt hại gây ra cho Bên kia bởi sự kiện bất khả kháng; và

7.2.3.   Tại thời điểm xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên gặp phải sự kiện bất khả kháng kháng phải thông báo ngay cho bên kia cũng như cung cấp văn bản thông báo và giải thích về lý do gây ra sự gián đoạn hoặc trì hoãn thực hiện nghĩa vụ.

Điều 8.     Quyền và nghĩa vụ của Các Bên

8.1.          Quyền và nghĩa vụ của Bên A

8.1.1.   Yêu cầu Bên B thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã thỏa thuận;

8.1.2.   Đảm bảo có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản mua bán, tài sản không có tranh chấp hoặc bị kê biên, xử lý thi hành án. Trường hợp Bên A vi phạm quy định này, Bên A có trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh đảm bảo không ảnh hưởng tới quyền lợi của Bên B và bồi thường thiệt hại gây ra cho Bên B (nếu có);

8.1.3.   Giao đúng tài sản quy định tại Điều 1 Hợp đồng này và các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu tài sản (nếu có) cho Bên B theo thỏa thuận;

8.1.4.   Cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến việc sử dụng, bảo quản tài sản bao gồm cả các khuyết tật của tài sản (nếu có) cho Bên B;

8.1.5.   Thực hiện bảo hành tài sản theo thỏa thuận trong Hợp đồng;

8.1.6.   Thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản cho Bên B (nếu có) theo quy định của pháp luật;

8.1.7.   Xuất hóa đơn GTGT hợp lệ cho Bên B;

8.1.8.   Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

8.2.          Quyền và nghĩa vụ của Bên B

8.2.1.   Thanh toán tiền mua tài sản theo đúng thỏa thuận tại Hợp đồng. Nếu quá hạn mà Bên B chưa thanh toán thì Bên B phải chịu lãi suất chậm thanh toán với mức 20%/năm;

8.2.2.   Phối hợp với Bên A thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản (nếu có) theo quy định của pháp luật;

8.2.3.   Yêu cầu Bên A thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã thỏa thuận;

8.2.4.   Hủy bỏ Hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp Bên A vi phạm quy định tại Điều 8.1.2 Hợp đồng này;

8.2.5.   Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9.     Hiệu lực và chấm dứt Hợp đồng

9.1.          Hợp Đồng này có hiệu lực từ […] đến […].

9.2.          Hợp Đồng này sẽ chấm dứt trước thời hạn trong những trường hợp sau:

9.2.1.     Nếu các bên đồng ý chấm dứt bằng văn bản.

9.2.2.     Nếu bất cứ vi phạm Hợp đồng nào không được khắc phục trong thời hạn […] ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu khắc phục từ Bên không vi phạm. Trong trường hợp này, Bên không vi phạm có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng bằng cách gửi văn bản thông báo cho Bên vi phạm.

9.2.3.     Nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá […] ngày kể từ ngày phát sinh, Hợp Đồng này có thể được chấm dứt dựa trên văn bản thông báo của một Bên cho Bên còn lại.

Điều 10.  Giải quyết tranh chấp

Trong trường hợp có bất cứ mâu thuẫn nào phát sinh từ Hợp Đồng này, Các Bên sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề bằng thương lượng. Nếu không thể giải quyết được trong vòng 30 ngày, vấn đề sẽ được giải quyết bởi Toà án có thẩm quyền. Bên thua kiện phải thanh toán tất cả các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp cho Bên thắng kiện (bao gồm cả chi phí luật sư).

Điều 11.  Điều khoản chung

11.1.       Hợp Đồng này được điều chỉnh và giải thích theo pháp luật Việt Nam.

11.2.       Mọi sửa đổi hoặc bổ sung Hợp Đồng đều phải được lập thành văn bản và ký duyệt bởi người có thẩm quyền của mỗi Bên.

11.3.       Mỗi Bên không được phép chuyển giao bất cứ quyền, nghĩa vụ nào trong Hợp Đồng này cho bất cứ bên thứ ba nào mà không được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Bên còn lại.

11.4.       Hợp Đồng này sẽ được lập thành […] bản có giá trị như nhau, mỗi Bên giữ […] bản để thực hiện.

                 BÊN A                                                      BÊN B

About Post Author

admin

B&H LAW - 0903.672.798 Tư vấn giải quyết các phát sinh trong hoạt động Đầu tư và kinh doanh bất động sản, cung cấp giải pháp mua bán hoặc cấp giấy chứng nhận cho Nhà đất xây sai phép; đang tranh chấp; nhà mua giấy tay; thừa kế có yếu tố nước ngoài; hết thời hiệu thừa kế; nguồn gốc tặng cho – cho mượn – chiếm hữu không rõ ràng … Tư vấn giải quyết thủ tục liên quan đến Hôn nhân gia đình, thoả thuận về tài sản trước khi kết hôn, tranh chấp tài sản của vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, kết hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài, thuận tình ly hôn nhanh…
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Previous post Mẫu Hợp đồng tặng cho xe
Next post Mẫu Hợp đồng vay tài sản
Close