Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

Read Time:12 Minute, 26 Second

Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế có thể theo một trong hai cách sau: Thông qua các phương thức mang tính tài phán hoặc thông qua các phương thức không mang tính tài phán.

Các phương thức mang tính tài phán đơn thuần đề cập đến tranh tụng tại tòa án quốc gia và trọng tài. Cả tòa án và ủy ban trọng tài đều có quyền ban hành phán quyết không chỉ có giá trị ràng buộc đối với các bên trong tranh chấp mà còn buộc bên thua kiện phải thi hành.

Các phương thức không mang tính tài phán đề cập đến các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ADR – alternative dispute resolution) như hòa giải hoặc trung gian. Không giống như phán quyết của tòa án quốc gia hay ủy ban trọng tài, biện pháp giải quyết, nếu có, của phương thức trung gian hoặc hòa giải không có giá trị ràng buộc đối với các bên. Các bên sẽ hoặc sẽ không tuân theo biện pháp giải quyết đó tùy thuộc vào ý chí của mình. Trong hợp đồng, các bên có thể quy định khuyến nghị của hoà giải viên có giá trị ràng buộc. Trong trường hợp đó, nếu một trong các bên không tự nguyện thực hiện theo khuyến nghị của hòa giải viên, bên kia sẽ đưa vụ việc ra tòa án hoặc ủy ban trọng tài.

Các phương thức mang tính tài phán, bao gồm:

1. Dựa vào các toà án quốc gia

Tòa án quốc gia được yêu cầu nghe một vụ việc và đưa ra phán quyết dựa trên nội dung của vụ việc, theo một quy trình pháp lý. Nhưng các tòa án cũng có thể có những trợ giúp hữu ích như ra lệnh các biện pháp tạm thời hoặc lâu dài, chỉ định chuyên gia kỹ thuật và trong một số vụ việc, đề ra các thủ tục hoà giải, đôi khi như một bước khởi đầu trước lúc bắt đầu tố tụng thực chất.

1.1 Thủ tục tố tụng

Đây là phương thức thường sử dụng trong các vụ kiện liên quan tới các bên có cùng quốc tịch. Tranh chấp được đưa ra tòa án của quốc gia mà các bên là công dân. Tuy nhiên, nếu các bên không cư trú cùng một nơi, trước tiên, phải quyết định đưa ra tòa án ở địa phương nào.

Trong tranh chấp quốc tế, nguyên tắc cũng tương tự như vậy, ngoại trừ việc sẽ phải xác định thẩm quyền của toà án. Sẽ giải quyết tại nước của nguyên đơn hay bị đơn? Vấn đề có thể được giải quyết bằng cách đưa điều khoản “tòa án” vào hợp đồng. Nói chung, sẽ ấn định tòa án tại nước của nguyên đơn hoặc bị đơn. Tuy nhiên, loại điều khoản quy định thẩm quyền của các tòa án quốc gia không được sử dụng phổ biến trong hợp đồng thương mại quốc tế vì một lý do rất dễ thấy là không bên nào mong muốn đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa án quốc gia của bên kia.

Đôi khi, các bên không quy định bất kỳ điều khoản nào về giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp này, một khi tranh chấp đã phát sinh, sẽ phải quyết định tòa án nào có thẩm quyền bằng cách áp dụng các quy tắc xung đột luật về thẩm quyền pháp lý có liên quan hoặc bằng cách xem xét các hiệp định song phương hoặc đa phương có thể áp dụng. Khi đó, một tòa án quốc gia có thể khước từ thẩm quyền và trên cơ sở các quy tắc xung đột luật của quốc gia đó, chuyển vụ việc cho tòa án của một quốc gia khác sau khi bị đơn kiện về việc thiếu thẩm quyền của tòa án đầu tiên. Việc này sẽ không chỉ trì hoãn một cách đáng kể thủ tục tố tụng mà còn gây ra chi phí tốn kém do liên tiếp tiến hành kiện tụng tại các tòa án của các quốc gia khác nhau.

Nhìn chung, các bên không muốn giải quyết tranh chấp tại tòa án của nước thứ ba vì nhiều lý do. Ví  dụ:

– Có lẽ không phù hợp khi đưa tranh chấp được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật cho các thẩm phán mà trình độ chuyên môn và giáo dục của họ lại thuộc một hệ thống luật pháp khác.

– Từ quan điểm thực tế, nếu hợp đồng và các thư từ liên quan tới tranh chấp phải dịch sang ngôn ngữ của thẩm phán quốc gia được chọn – tương tự, các cuộc thảo luận phải tiến hành bằng ngôn ngữ này – có thể các bên và những người tham gia tố tụng sẽ gặp một số bất tiện.

– Nếu chọn một toà án có thẩm quyền của một quốc gia không tham gia vào hiệp định song phương hoặc đa phương về công nhận và thi hành các quyết định pháp lý, các bên có thể rất khó khăn để thực hiện phán quyết đã ban hành.

– Các bên cũng phải nhớ rằng các thủ tục tố tụng được tiến hành công khai.

Cũng cần nhớ rằng, khi nhờ đến toà án, các bên không phải trả thù lao và chi phí cho thẩm phán, còn trong trọng tài, các bên sẽ phải trả thù lao và chi phí cho các trọng tài viên.

1.2 Các biện pháp khẩn cấp và  tạm thời của các toà án quốc gia

Tại một tòa án quốc gia, các bên liên quan đến tranh chấp nói chung có thể yêu cầu tòa án ra lệnh những biện pháp tạm thời hoặc lâu dài, đó là những biện pháp nhằm đạt một hoặc nhiều các mục tiêu dưới đây:

– Bảo đảm nội dung của vụ tranh chấp không bị thay đổi trước khi quyết định cuối cùng về nội dung vụ việc được ban hành và thi hành;

– Quy định cách cư xử của các bên và quan hệ giữa họ trong tố tụng;

– Bảo vệ và áp dụng các chứng cứ.

Ví dụ, một biện pháp tạm thời hoặc khẩn cấp có thể cần để ngăn chặn một bên giấu, hoặc chuyển giao ngoài thẩm quyền đang được xem xét hàng hoá là đối tượng của vụ tranh chấp, hoặc tài sản để trả lại cho một bên nếu bên đó thắng kiện.

Trong quá trình tố tụng, một bên cũng có thể cố gắng để nhận được quyết định là các bên phải tiến hành hoặc không được tiến hành một số biện pháp nhất định. Một toà án có thể ra lệnh cho các bên duy trì hiện trạng cho đến khi phán quyết cuối cùng được ban hành. Ví dụ, một trong các bên có thể được lệnh là không triệu tập ngân hàng bảo lãnh như thoả thuận trong hợp đồng.

Một biện pháp tạm thời hay khẩn cấp có thể nhằm bảo vệ chứng cứ. Biện pháp đó cũng có thể nhằm thu thập chứng cứ thông qua các nhân chứng hoặc chuyên gia trước khi thẩm tra nội dung vụ việc (xem dưới đây).

Trọng tài viên không có quyền giống như tòa án để ra lệnh các biện pháp tạm thời như thu giữ tài sản, hoặc ra lệnh cho bên thứ ba tham dự phiên họp xét xử. Đây chính là lý do tại sao hiện nay ở hầu hết các nước, các toà án quốc gia hợp tác với ủy ban trọng tài và các bên liên quan trong tố tụng trọng tài bằng cách ra lệnh các biện pháp tạm thời mà một trọng tài viên không thể ra lệnh.

1.3 Thẩm định kỹ thuật theo lệnh của tòa án

Thẩm định kỹ thuật là một biện pháp tạm thời mà tòa án có thể ra lệnh. Trước khi bắt đầu tố tụng tại toà hoặc trọng tài, có thể vì quyền lợi của một bên để chỉ định chuyên gia mà nhiệm vụ của người này là đưa ra ý kiến về mặt kỹ thuật về trạng thái của đối tượng tranh chấp (hàng hóa, công trình,v.v…)

Thẩm định như vậy có thể phải tiến hành ngay lập tức theo yêu cầu tính chất của vụ việc. Ví dụ, trong tranh chấp mua bán thực phẩm dễ hỏng, việc giám định phải tiến hành càng nhanh càng tốt và không thể chờ đến lúc bắt đầu tố tụng thực chất. Thẩm định theo yêu cầu của toà thường có ở toà án những nước theo hệ thống luật lục địa – ít thấy hơn ở toà án những nước theo luật Anh – Mĩ.

1.4 Hoà giải bởi các toà án

Một số hệ thống luật pháp cho các thẩm phán quyền hoà giải tranh chấp.

Ở những hệ thống luật pháp khác, cố gắng hoà giải chỉ bắt buộc trước khi bắt đầu tố tụng. Trong trường hợp, hoà giải thành công, sự giải quyết được ghi nhận và có thể có tính chất ràng buộc như một phán quyết.

2. Trọng tài thương mại quốc tế

Trọng tài cũng là một phương thức tài phán giải quyết tranh chấp thương mại. Không giống như toà án quốc gia, không tồn tại uỷ ban trọng tài thường trực giải quyết tranh chấp thương mại, các trọng tài viên chỉ giải quyết một vài vụ. Trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp riêng tư và bí mật, dựa trên thoả thuận của các bên. Nguyên tắc chung là “không có thoả thuận giải quyết bằng phương thức trọng tài, không có tố tụng trọng tài”. Trừ một số ngoại lệ, các bên phải thoả thuận trong hợp đồng là sử dụng phương thức này, và xác định chi tiết các quy tắc điều chỉnh tố tụng (chỉ định trọng tài viên, v.v…) hoặc dựa vào các quy tắc tố tụng trọng tài của một tổ chức trọng tài thường trực. Trong trọng tài vụ việc, các bên tự quyết định trọng tài sẽ được tiến hành như thế nào mà không có sự trợ giúp của một tổ chức trọng tài thường trực. Trong trọng tài thường trực (cũng được coi như trọng tài được giám sát), tố tụng trọng tài được thực hiện với sự trợ giúp của một tổ chức trọng tài thường trực.

Tuỳ thuộc vào thoả thuận giữa các bên, cách tiến hành tố tụng trọng tài có thể khác hoặc không khác cách tiến hành tố tụng tại một toà án quốc gia. Tuy nhiên, chính các bên (hoặc tổ chức trọng tài thường trực, hoặc bất kỳ bên thứ ba nào khác được các bên chỉ định) thành lập uỷ ban trọng tài. Hơn nữa, các quy tắc tố tụng trọng tài thường linh hoạt hơn và ít thủ tục hơn các quy tắc của pháp luật quốc gia.

2.1 Trọng tài vụ việc

Trong trọng tài vụ việc, các bên tự chịu trách nhiệm thành lập uỷ ban trọng tài để giải quyết tranh chấp và phải quy định các quy tắc điều chỉnh cách tiến hành tố tụng trọng tài. Khi gặp khó khăn, đôi khi các bên phải nhờ đến sự can thiệp của một toà án quốc gia có thẩm quyền. Bởi các bên phải tự chịu trách nhiệm trong trọng tài vụ việc nên họ phải thoả thuận trực tiếp các vấn đề như thù lao và chi phí với các trọng tài viên.

2.2 Trọng tài thường trực

Trong trọng tài thường trực, các bên nhờ một trung tâm trọng tài hoặc một tổ chức trọng tài thường trực giám sát tố tụng theo quy tắc tố tụng trọng tài của tổ chức đó.

Phạm vi giám sát tố tụng trọng tài của mỗi tổ chức là khác nhau. Nói chung, tổ chức trọng tài thường trực giám sát một phần tố tụng trọng tài, và giới hạn sự trợ giúp đối với việc thành lập uỷ ban trọng tài (chỉ định các trọng tài viên), dựa trên nguyện vọng của các bên cũng như các quy tắc tố tụng trọng tài của chính tổ chức đó.

Một tổ chức có thể thông báo yêu cầu xét xử trọng tài cho bên kia và yêu cầu bên đó tuyên bố rõ quan điểm về vụ kiện và việc thành lập uỷ ban trọng tài. Đôi khi, tổ chức trọng tài thường trực có quyền ấn định một khoản tiền ước tính đủ để trả phí trọng tài, có quyền đòi một khoản ứng trước và khi kết thúc tố tụng, có quyền quyết định các chi phí cuối cùng. Tổ chức trọng tài thường trực cũng có thể giám sát quá trình thông báo cho các bên về phán quyết đã ban hành. Tổ chức trọng tài thường trực cũng có thể trợ giúp các bên trong tranh chấp ít hơn. Nói chung, loại trọng tài này được coi là trọng tài được giám sát một phần.

Trọng tài thường trực cũng có thể là trọng tài được giám sát toàn bộ. Trong trường hợp này, tổ chức trọng tài thường trực không chỉ chịu trách nhiệm nhận yêu cầu xét xử trọng tài và thông báo cho bên kia, mà còn thành lập uỷ ban trọng tài, ấn định khoản phí ứng trước và xác định nơi xét xử trọng tài. Một khi đã thanh toán khoản phí ứng trước, tổ chức trọng tài thường trực gửi hồ sơ vụ việc cho các trọng tài viên và giám sát việc thực hiện tố tụng cho tới khi ban hành phán quyết. Theo đó, tổ chức trọng tài thường trực giám soát toàn bộ quá trình tố tụng và giải quyết các khó khăn như quyết định thay thế các trọng tài viên thiên vị. Đôi khi, thậm chí tổ chức trọng tài thường trực phải bảo đảm nội dung phán quyết được chấp nhận về hình thức và có thể tập trung sự chú ý của trọng tài vào một số điểm nhất định của nội dung vụ kiện. Tổ chức trọng tài thường trực giám sát việc thông báo phán quyết cho các bên và sau khi đã ấn định phí trọng tài, tổ chức trọng tài thường trực bảo đảm việc trả thù lao cho các trọng tài viên. Tóm lại, tổ chức trọng tài thường trực bảo đảm các bước của tố tụng được thực hiện trong thời hạn cho phép của quy tắc tố tụng trọng tài của tổ chức đó. Một ví dụ điển hình về hệ thống trọng tài được giám sát toàn bộ là trọng tài ICC.

About Post Author

BHLaw

B&H Law - 0903.672.798 Tư vấn giải quyết các phát sinh trong hoạt động Đầu tư và kinh doanh bất động sản, cung cấp giải pháp mua bán hoặc cấp giấy chứng nhận cho Nhà đất xây sai phép; đang tranh chấp; nhà mua giấy tay; thừa kế có yếu tố nước ngoài; hết thời hiệu thừa kế; nguồn gốc tặng cho – cho mượn – chiếm hữu không rõ ràng … Tư vấn giải quyết thủ tục liên quan đến Hôn nhân gia đình, thoả thuận về tài sản trước khi kết hôn, tranh chấp tài sản của vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, kết hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài, thuận tình ly hôn nhanh…
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Previous post Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
Next post Các chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 04/2022
Close